Hoàng đế Lưu Tống Lưu Tống Vũ Đế

Lưu Dụ đặt quốc hiệu là Tống, đổi niên hiệu là Vĩnh Sơ năm thứ nhất. Từ thời điểm này, Trung Quốc chính thức bắt đầu bước vào thời kỳ Nam-Bắc triều. Lãnh thổ mà Lưu Dụ thu phục được vào cuối thời nhà Tấn bao gồm phía bắc đến Tần Lĩnh-Hoàng Hà, giáp ranh Bắc Ngụy, phía tây đến Đại Tuyết Sơn, Tứ Xuyên, phía tây nam bao gồm Vân Nam, phía đông nam giáp biển. Lưu Tống là vương triều có lãnh thổ rộng lớn nhất trong các triều đại Nam triều. Về sau khu vực từ Nam Hoàng Hà đến Bắc Hoài Hà bị Bắc Ngụy chiếm đoạt, trong đó có Tế châu, Duyện Châu, Thanh Châu, Từ Châu. Để trừ hậu hoạn cho con cháu về sau, ông ra lệnh sát hại Tấn Cung Đế và diệt trừ cả gia tộc hoàng thất nhà Đông Tấn.

Sau khi lên ngôi, để tránh cái gương của họ Tư Mã, Tống Vũ Đế liền tước bỏ quyền lực của các chư hầu, phiên trấn, tập trung quyền hành trung ương. Do Kinh châu nhiều lần phản loạn nên biến Kinh Châu phủ thành Kinh Châu hạt, hạn chế quyền hành của các tướng. Để ngừa quyền thần làm loạn nên ra chiếu chỉ phàm sau khi xuất quân hồi sư phải giao lại binh quyền cho triều đình. Quản lý hộ khẩu các thế tộc, giảm bớt nguồn thu của quan phủ chỉnh đốn hộ tịch, thay đổi cách thổ đoạn (thu thuế), chính quyền sở hữu phát hành tiền tệ khuyến khích buôn bán. Tô thuế của nông dân được giảm nhẹ, nuôi dưỡng sức dân, phát triển sinh sản. Từ thời Ngụy Tấn đến nay, triều đình sống xa hoa phú quý, như do Vũ Đế xuất thân nghèo hèn nên chịu khó sống đời thanh bần, đối với ngựa xe, mĩ nữ càng tiết dục, thực hành hàng loạt biện pháp tăng cường trung ương tập quyền, giảm bớt gánh nặng cho nông dân, làm dịu bớt mâu thuẫn giai cấp, đẩy nhanh việc khôi phục và phát triển kinh tế. Vũ Đế đã xây dựng nền tảng vững chắc cho nhà Lưu Tống sau này.